Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Wednesday, August 5, 2015

Những thị trường xe hơi lâu đời như Mỹ, Châu Âu luôn có tiêu chí mua hàng rõ ràng, đằng tả đến mức cực đoan, khó thay đổi. Nhưng với thị trường mới, nơi khách hàng tiếp xúc với phương tiện bốn bánh chỉ khoảng hai chục năm trở lại, thị hiếu thay đổi theo thời cuộc, thì không có tương lai chắc chắn cho một mẫu xe nào.

Việt Nam nằm trong số đó. Chỉ năm nay còn chứng kiến một mẫu xe làm mưa làm gió, năm sau đã có thể mất hút, rơi tọt xuống đáy bảng xếp hạng. Có những nguyên nhân cố hữu từ chủ quan hãng xe, từ phía khách hàng và cũng có lý do khách quan từ sức cạnh tranh thị trường. Nhưng tựu lại, vẫn nằm ở sự thức thời của mỗi nhà sản xuất, có chịu thay đổi hay không?

Chevrolet Captiva

Chiếc SUV của hãng xe Mỹ luôn là lựa chọn đầu tiên khi nói về hoàn cảnh khiến nhiều người tiếc nuối. Đã có khi, nhắc tới Captiva là đi cùng sự khao khát và hình ảnh nhân viên bán xe điều khiển khách hàng như những con rối. Đóng thêm tiền, chờ 6 tháng, lót tay đại lý để mua được xe, đó là cách mua bán Captiva quãng những năm 2007-2008.


Chevrolet Captiva

Cuối tháng 10/2006, GM Việt Nam đưa Chevrolet Captiva về nước sau khi thành công tại thị trường Hàn Quốc. Thành công đến với chiếc SUV cỡ nhỏ ngoài mong đợi của hãng khi tạo nên cơn sốt mua hàng chưa từng có, bởi mở ra nhu cầu tiêu dùng mới, xe nhập khẩu với kiểu dáng thể thao, hiện đại, phong cách vận hành nam tính, ổn định. Hai năm liên tiếp sau đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, tạo mốc son trong sự nghiệp kinh doanh của GM tại Việt Nam.


Nhưng những nhược điểm dần lộ ra cùng với sự suy giảm của kinh tế những năm khủng hoảng từ 2009 khiến Captiva bán chậm hơn, tụt dốc không phanh rồi xuống đáy mà không thể vực lại. Từ chỗ bán cả 500 xe mỗi tháng, đến nay Captiva lẹt đẹt không nổi 5 xe mỗi tháng.

Khi có những Toyota Fortuner hay Ford Everest bước vào thị trường, người tiêu dùng có thêm những lựa chọn. Lúc này mẫu xe lộ ra nhược điểm như tốn nhiên liệu, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng kém, hay hỏng hóc (đặc biệt hệ thống điện), hạn chế tính năng, không đổi mới thiết kế, trang bị qua nhiều năm.

Khách hàng quay lưng, chọn Fortuner bền bỉ, giữ giá, chọn Everest mạnh mẽ, cá tính. Captiva bơ vơ, và sau này khi những Hyundai SantaFe hay Kia Sorento thâm nhập, Captiva càng cô độc, không còn nằm trong "checklist" của khách hàng. Đến thời điểm này, Chevrolet đang làm mọi cách, trang bị hiện đại, phong phú, tăng chương trình trải nghiệm, tặng các gói khuyến mãi hòng lôi kéo khách hàng suy nghĩ lại, về sản phẩm từng một thời làm vua.

Honda Civic

Khách hàng Việt luôn đổi mới, vì thế đã viết một kịch bản tương tự Captiva cho con đường từ đỉnh cao xuống vực thẳm của Civic. Tháng 8/2006, Civic ra mắt với mức giá cao hơn mong đợi của khách hàng, vì chương trình truyền thông cho mẫu xe mới tinh đã chạy rầm rộ từ trước đó. Nhưng mặc cho giá cao, sự mới mẻ của Civic khiến mẫu xe duy nhất lúc bấy giờ của Honda tại Việt Nam lập tức ghi điểm.


Honda Civic

Trước những Toyota Corolla Altis và Daewoo Lacetti già cỗi lúc bấy giờ, Civic như một anh chàng hiện đại, điển trai cộng với khả năng vận hành ấn tượng. Suốt 2 năm trời, đến khoảng tháng 8/2008, doanh số của Civic luôn vượt xa Corolla Altis, có những khi Civic tiệm cận 800 xe mỗi tháng trong khi Corolla Altis chưa tới 100 xe.

Nhưng cũng như Captiva, chỉ hoành hành được khoảng 2 năm, Civic dần cho thấy không có khả năng cạnh tranh đường dài. Khi Altis mới về Việt Nam, người ta lại đổ xô sang mua mẫu xe của Toyota. Kể từ 5/2009 tới đây, Civic vẫn cứ mãi ở sau Altis, thậm chí cả những người mới như Mazda3, Forte, Elantra cũng dễ dàng vượt mặt. Hết nửa đầu 2015, trong khi Altis bán 3.280 xe thì Civic vỏn vẹn 192 xe, tức chưa bằng 6% đối thủ nhà Toyota.

Honda Civic có đóng vai tương tự như Captiva, khi thị trường chưa có nhiều sự lựa chọn? Câu trả lời chỉ đúng một phần, bởi chính Civic đã chứng minh sức hút từ sự mới mẻ khi trên thị trường đã có những cái tên thành công khác như Altis hay Lacetti. Nhưng khi đối thủ đổi mới, thì Honda lại bảo thủ.

Xe còn đó khuyết điểm ồn, điểm mù lớn ở cột A, và kiểu thiết kế không thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, khiến khách hàng không còn xác định được "Civic già hay trẻ?". Chiếc sedan cỡ C lập lờ, không định hình rõ dành cho đối tượng nào, và cứ thế tương tự như Captiva, mờ dần trong tâm trí người tiêu dùng.

Mitsubishi Triton 
 
Quãng 2008, khi Triton bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, dễ dàng nhận thấy những đoạn phim quảng cáo, poster về chiếc bán tải ở nhiều nơi. Dù không phải là cái tên tiên phong, nhưng lợi thế hình dáng lực lưỡng, động cơ bền bỉ truyền thống Mitsubishi khiến Triton trở thành thế lực lớn trong phân khúc bán tải.


Mitsubishi Triton

Triton không phải mẫu xe to khỏe kiểu vạm vỡ như Ranger, mà ngay từ đầu đường nét Triton đã có sự pha trộn mượt mà như sedan, cho thấy một hình ảnh bán tải từ tốn, vừa phải và không quá cá tính, là lựa chọn phù hợp với số đông.

Nhưng qua thời gian, Triton dần hụt hơi trong cuộc chạy đua ở một thị trường mà thị hiếu khách hàng thay đổi nhanh, khó đoán như Việt Nam. Ford Ranger, Mazda BT-50 vươn lên nhanh chóng nhờ những tính năng công nghệ, Toyota Hilux theo sau với lợi thế giá bán lại, còn Triton thì mờ dần khi không có thay đổi bắt kịp nhu cầu khách hàng, trở về cuối bảng xếp hạng cùng Chevrolet Colorado và Isuzu D-Max.

Doanh số bán hàng của Triton đầu năm 2015 ở mức khoảng 50 xe mỗi tháng. Thực tế này khiến Mitsubishi phải lấy lại hình ảnh thế lực một thời, bằng cách thay đổi toàn diện, từ thiết kế tới công nghệ.

Daewoo Matiz

Ở phân khúc xe cỡ nhỏ, Matiz luôn trở thành cái tên cửa miệng của khách hàng Việt khi muốn so sánh "bé như Matiz nhỉ", "khoảng 200 triệu mua chiếc Matiz mà đi". Vai trò của Matiz ở thị trường ô tô cũng như Wave Alpha ở thị trường xe máy. Cả hai mẫu xe đều mở ra phân khúc mới cho khách hàng trong nước, thay đổi quan niệm về ô tô và xe máy.


Daewoo Matiz

Liên doanh Vidamco của Daewoo (sau này là GM Việt Nam), lắp ráp Matiz từ tháng 9/1998. Khi đó, khách hàng khá giả vốn có thói quen sử dụng xe ga nhập khẩu đắt tiền như Honda Spacy, SH, @ dần chuyển sang mua Matiz vì những lợi ích hơn hẳn mà một chiếc ô tô mang lại so với xe máy.

Kể từ khi ra đời đến khoảng 2006, Matiz luôn là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường. Nhưng sau đó Hyundai đưa Getz về nước cùng với sự xuất hiện hiện Kia Morning, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mới mẻ, phong phú hơn. Trong khi đó Matiz trang bị đơn sơ và kiểu dáng thì không theo kịp các đối thủ bởi đường nét đơn giản đến ngô nghê và nhiều khách hàng ví "nhìn như xe đồ chơi".

Năm 2008, tung ra chiếc Spark để thay thế, thực tế là phát triển từ Matiz. Nhưng những nhược điểm cố hữu của Matiz không được khắc phục trên Spark, thậm chí kiểu đèn pha mắt dài, to không ăn khớp với tổng thể nhỏ bé vẫn duy trì cho tới phiên bản 2014. Kết thúc năm 2014, doanh số của Spark không bằng 1/3 của Kia Morning và kém xa Hyundai i10.

Ngoài 4 mẫu xe trên, thị trường Việt còn chứng kiến sự đi lùi của nhiều mẫu xe như Ford Everest, Escape hay những cái tên sớm không thành công như Isuzu D-Max, Kia Sorento... Khách hàng thay đổi thị hiếu bất ngờ, theo đám đông, và luôn hướng tới những sản phẩm tối ưu hóa số tiền bỏ ra mua xe, với hành vi coi xe hơi là tài sản. Bởi thế, sự đổi mới liên tục, chiều lòng khách hàng sẽ trở thành điều kiện cần cho các nhà kinh doanh xe hơi tại Việt Nam, tất nhiên không có đất cho tính bảo thủ.

Theo VnExpress

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts